Cư dân tự xoay xở PCCC
Những năm gần đây,ấtantừnhàcaotầngThảmhọavẫnrìnhrậpnhiềuchungcưdetermine nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra càng khiến ông Bùi Quang Hào, Trưởng ban Quản trị (BQT) tòa nhà B10C Nam Trung Yên (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), bất an, lo lắng cho tính mạng của gia đình ông cùng hơn 800 cư dân sống tại tòa nhà. Bởi lẽ, từ lâu, nhiều hạng mục trong hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của tòa nhà B10C Nam Trung Yên không được TP.Hà Nội cấp kinh phí bảo dưỡng, thay thế mà chỉ để "làm cảnh".
Trước đó, năm 2012, ông Hào cùng hàng trăm người dân chuyển đến tòa nhà tái định cư này sinh sống, nhường nhà mặt đất để phục vụ các dự án của Hà Nội. Ở thời điểm đó, thành phố cho biết người dân về tái định cư sẽ được lo "từ A - Z". Tuy nhiên, thực tế cư dân chưa nhận được các khoản hỗ trợ này. Mãi đến năm 2018, UBND TP.Hà Nội ra Quyết định số 18/2018 có nội dung sẽ hỗ trợ kinh phí bảo trì đối với 6 hạng mục. Trong đó có hệ thống PCCC, máy bơm nước, máy phát điện, thang máy…, nhưng đến nay mọi thứ vẫn chỉ "nằm trên giấy".
"Chúng tôi sợ mình chết trước khi có thể đòi được quyền lợi nên tự bỏ tiền ra duy trì hệ thống nước chữa cháy, máy bơm, máy phát điện. Còn hệ thống báo cháy, cửa thoát hiểm chống cháy… bị hỏng cũng đành chịu vì chi phí sửa chữa, thay thế vượt quá khả năng của cư dân", ông Hào nói.
Một lãnh đạo UBND P.Trung Hòa xác nhận đã từ lâu, toàn bộ hệ thống PCCC của 18 tòa nhà tái định cư trên địa bàn không được bảo dưỡng, bảo hành. Phường liên tục kiến nghị đến các cấp để tháo gỡ khó khăn cho cư dân nhưng chưa có kết quả.
Trong khi đó, một lãnh đạo Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (BQL), thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay trách nhiệm hỗ trợ Quỹ Bảo trì 6 hạng mục của các tòa nhà có sự tham gia một phần của ban, một phần của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội. Vướng mắc hiện nay trong việc hỗ trợ Quỹ Bảo trì là do nghị định của Chính phủ chưa có cơ chế quản lý diện tích tầng 1 để kinh doanh dịch vụ.
"Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng, lấy ý kiến dự thảo quy định để quản lý diện tích tài sản công. Do quy định chưa ban hành nên Hà Nội không phê duyệt được dự toán nguồn kinh phí hỗ trợ", vị đại diện này nói và cho biết để giải quyết vướng mắc này, thành phố đã ban hành quyết định duyệt dự toán thu, chi theo mức độ cấp bách nên sắp tới sẽ có kinh phí hỗ trợ cư dân.
Đáng chú ý, một cán bộ BQL thừa nhận trong tình huống có hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà tái định cư, gây thiệt hại về người, thì phía BQL cũng sẽ liên đới trách nhiệm do hạng mục PCCC không được bảo trì. "Tuy nhiên, BQL đã cố gắng làm hết trách nhiệm, cấp trên có bố trí tiền thì ban mới hỗ trợ người dân được", cán bộ này nói và xác nhận kể từ khi ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, cả 18 tòa nhà đều chưa được hỗ trợ kinh phí vì "vướng" cơ chế.
Khó cưỡng chế, khó xử lý hình sự ?
Sau vụ cháy chung cư mini kinh hoàng tối 12.9, Hà Nội đang tiến hành tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tất cả chung cư mini, nhà cho thuê trên địa bàn. Thống kê ban đầu của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, trong đó tập trung nhiều nhất ở các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy…
Tại Q.Thanh Xuân, hầu hết chung cư mini nằm sâu trong ngõ, ngách nhỏ chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau, được xây ít nhất 5 - 6 tầng, không có lối thoát nạn thứ 2. Ban công, cửa sổ đều hàn bịt kín bằng khung sắt…
Theo ông Hoàng Tùng, Phó chủ tịch UBND P.Nhân Chính (Q.Thanh Xuân), vụ cháy chung cư mini trên địa bàn đã cảnh tỉnh, tác động rất lớn đến cư dân, người thuê trọ ở các công trình nhà ống. Nhiều cư dân thậm chí đã họp bàn giải pháp trước khi tổ công tác của phường đi kiểm tra, nhắc nhở đảm bảo công tác PCCC.
"Nhiều người đã nhìn thấy được mối nguy tiềm ẩn hỏa hoạn thay vì thờ ơ như trước. Trước mắt, phường sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân trang bị thêm thiết bị PCCC cá nhân, mở lối thoát hiểm thứ 2 hoặc lắp thêm cửa chống cháy ở tầng 1 đối với các công trình nhà ống, chung cư mini", ông Tùng nói.
Theo một số chuyên gia, hiện, Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 - 6 tầng, chủ yếu xây dựng từ những năm 1960 đến cuối những năm 1980, tập trung nhiều ở khu vực nội đô các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân… Đa số những chung cư cũ, nhà tập thể đều xảy ra tình trạng người dân cơi nới thêm "chuồng cọp" để có thêm diện tích sinh hoạt. Điều này khiến lối thoát nạn của nhiều người bị bịt kín.
Một lãnh đạo UBND P.Thành Công (Q.Ba Đình) cho biết trên địa bàn có khoảng 78 chung cư cũ. Trong đó, hầu như căn hộ nào cũng cơi nới, hàn lắp "chuồng cọp". Điều này khiến người dân và lực lượng chức năng rất khó khăn tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn từ bên ngoài.
"Để phòng, chống cháy, nổ, phường đã vận động các hộ dân mở lối thoát nạn thứ 2 và nhiều hộ đã tự tháo dỡ "chuồng cọp". Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình ở khu tập thể cũng đã tự mua bình chữa cháy. Do nhà tập thể được xây dựng trong giai đoạn chưa có quy định, quy chuẩn về PCCC nên không thể khắc phục các bất cập theo quy định hiện hành", vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Tại P.Kim Liên (Q.Đống Đa), sau hơn 1 năm xảy ra vụ cháy khiến 5 người tử vong ở số 116 khu tập thể B9 Kim Liên, hiện đa số các "chuồng cọp" của các căn hộ trong khu tập thể cũ này vẫn được giữ nguyên, thậm chí có hộ còn cơi nới thêm. Những "chuồng cọp" này được thiết kế chồng chất lên nhau, rồi tùy theo mục đích sử dụng để làm ban công, kho chứa đồ đạc, nơi phơi quần áo, dụng cụ nhà cửa... Có khu tập thể, hộp đựng bình chữa cháy chỉ là chiếc thùng rỗng, không hề có bất cứ vật dụng nào bên trong.
Một chỉ huy PCCC quận nội thành Hà Nội cho biết đối với các trường hợp vi phạm PCCC, lực lượng chức năng sẽ ra quyết định xử phạt, ra quyết định tạm đình chỉ, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, với các tòa chung cư chưa nghiệm thu PCCC nhưng cư dân đã vào ở thì không thể "đuổi" dân ra được. Còn đối với nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini) thì không thể yêu cầu chủ đầu tư thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC vì giấy phép là nhà ở riêng lẻ.
Trong trường hợp đã tạm đình chỉ khu vực không đảm bảo PCCC để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, nếu cá nhân gây ra thì trách nhiệm thuộc về cá nhân, còn không trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị quản lý.
"Thực tế, có nhiều trường hợp không chấp hành quyết định tạm đình chỉ, vẫn tiếp tục hoạt động nhưng cơ quan điều tra không thể xử lý hình sự vì chưa xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, quy trình cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành quyết định tạm đình chỉ hiện vẫn chưa có", vị chỉ huy nói...
(còn tiếp)
Loại hình nhà ở nào cũng phải có phương án PCCC
Sau vụ cháy chung cư mini kinh hoàng ở Q.Thanh Xuân vào tối 12.9 khiến 56 người chết, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết đã tham mưu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tới đây ban hành chỉ thị về công tác PCCC. Chỉ thị này sẽ xác định rõ mọi người dân sinh sống trên địa bàn đều phải được bảo đảm yêu cầu PCCC dù ở loại hình nhà ở nào.
"Không cần biết nhà chung cư, nhà xã hội hay tái định cư, vì điều này liên quan quyền con người được bảo vệ bởi Hiến pháp. Công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt nhưng vẫn phải có phương án PCCC và cứu hộ, cứu nạn", ông Trung thông tin thêm.