Saemaul Undong,õnéthaynhòenhoẹgiường bệt cụm từ này không quá lạ với người Việt Nam hay Philippines và hơn 100 quốc gia khác khi nhắc về nông thôn mới, về nỗ lực tự cường để xây dựng hình ảnh địa phương.
Đã có hơn 56 nghìn người từ hơn 100 quốc gia tìm đến làng Sindo học tập, trải nghiệm rồi đem những thành tựu được sàng lọc về áp dụng cho địa phương mình. Trong đó có Thái Nguyên của Việt Nam và nhiều địa phương khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong lúc chuẩn bị báo cáo, tôi đã rất háo hức chờ câu hỏi của giáo sư và các bạn người Hàn rằng, địa phương nào của Việt Nam đã áp dụng thành tựu của Saemaul Undong, và hướng tới xây dựng hình ảnh như thế nào?
Ngược lại, tôi như bị "xịt keo" khi được nhiều bạn cùng lớp hỏi, tài liệu hay chứng cớ nào để nói, Sindo là ngôi làng đầu tiên xuất phát phong trào Làng mới của Hàn Quốc. Để trả lời cho câu hỏi "cắc cớ" này, tôi chắc nịch rằng, từ những tư liệu của nước bạn đã cung cấp, thông tin cho chúng tôi. Không phải các bạn còn có hẳn một bảo tàng kỷ niệm nơi khai sinh ra phong trào Làng mới đấy sao?
Thế nhưng, để giúp tôi hiểu hơn, giáo sư cho biết, thời điểm tái thiết hình ảnh nông thôn, khẳng định vị thế và phát triển theo hướng tự lực tự cường, mỗi địa phương trên khắp Hàn Quốc đều có những công trình, phần việc do chính người nông dân tự biết và làm. Khi đó, chưa ai gọi đây là phong trào xây dựng làng mới. Nhanh tay hơn các địa phương khác, làng Sindo hưởng ứng chủ trương xây dựng Seamaul Undong của cố Tổng thống Park Chung Hee - từ sau chuyến ghé thăm, chứng kiến dân làng tự bắt tay vào khắc phục lũ lụt khi ông đang về miền Nam khảo sát vào năm 1969. Nhờ vậy, nơi đây cũng được Tổng thống Park Chung Hee chọn là nơi khai sinh phong trào Làng mới.
Vậy nên, với người Hàn Quốc, khó mà nói đâu là nơi khai sinh ra phong trào này. Cách làm của Sindo chỉ thể hiện sự nhanh nhạy của địa phương trong việc cạnh tranh xây dựng hình ảnh.
Bán tín, bán nghi sau giờ báo cáo, tôi thử bằng một phép kiểm tra với lễ hội trái hồng. Tôi tìm hiểu xem làng Sindo có tổ chức lễ hội trái hồng hàng năm để quảng bá hình ảnh địa phương không? Vì trong dịp theo đoàn Đồng Tháp đến làng làm việc vào năm 2017, trưởng làng Sindo từng tự hào giới thiệu, nhờ trái hồng mà dân làng Sindo không phải di cư về các thành phố lớn để tìm việc, mỗi nông hộ ở đây hàng năm có thu nhập tiền tỷ nhờ loại trái cây này. Nó từng được dân gửi về cho tổng thống sau này bị phế truất là Park Geun Hye - con gái của cố tổng thống Park, để bà dùng cho nguôi nỗi nhớ quê hương.
Thật bất ngờ với kết quả tìm kiếm của tôi, Sindo không có bất cứ một lễ hội trái hồng nào. Nó được tổ chức ở một địa phương khác có lịch sử hơn 100 năm trồng và phát triển.
Lúc này, tôi nghĩ về nhiều lễ hội của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hình ảnh du lịch nông thôn, lưu thông sản phẩm nông nghiệp, cải thiện chất lượng sống của nông dân và nhiều lợi ích khác. Có thể vì nóng lòng tìm xem quê nhà có gì đặc biệt để xây dựng hình ảnh nên gần đây nhiều địa phương đua nhau tổ chức lễ hội, thậm chí có nhiều lễ hội liên tục diễn ra mỗi tháng. Chủ đề thì đa dạng và phong phú. Trái cây, trang phục, làng nghề đều có và được lên sàn biểu diễn.
Đó là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, lễ hội này vừa xong, hình ảnh của nó chưa được đọng lại, thì tôi lại đã thấy có lễ hội khác, cuối cùng, ngay chính người địa phương cũng không hiểu đâu mới là điểm đặc trưng, thế mạnh lớn nhất của làng quê mình.
Tôi có thể quá khắt khe. Nhưng thử nhìn vào thực tế. Nếu như lễ hội đầu hình ảnh quảng bá chỉn chu bao nhiêu thì lễ hội sau lại na ná và nhạt nhòa bấy nhiêu. Và cũng vì thiếu chiến lược thống nhất trong việc chọn điểm đặc trưng, có thế mạnh nhất, nên nhiều lễ hội, sự kiện quảng bá thương hiệu địa phương ở Việt Nam bị trùng lặp, không đặc sắc, khó gây ấn tượng với du khách.
Các địa phương ở Hàn Quốc không khác với Việt Nam, một thời gian dài, cũng lúng túng trong việc chọn sản vật xứng đáng nhất của địa phương để khẳng định tính thương hiệu và cạnh tranh với địa phương khác. Nhưng, họ bình tĩnh hơn, không "hoảng hốt" chạy theo đại trà để khôn ngoan chọn đâu là thứ đặc trưng nhất, có hiệu quả quảng bá tốt, dễ gây ấn tượng nhất.
Vì lẽ đó, Sindo đã không cần có thêm trái hồng làm công cụ cạnh tranh. Sindo đã chọn và chỉ chọn duy nhất "phong trào Làng mới" làm chất liệu chính nhằm xây dựng hình ảnh trong marketing thương hiệu. Họ nghiêm túc đầu tư chuyên gia, con người và vật lực chỉnh trang hạ tầng nông thôn để xây dựng hẳn một câu chuyện không chỉ chỉn chu mà còn mang tính kỳ tích về phong trào này, làm sức mạnh cạnh tranh. Nhờ đó, Sindo hằn lại trong tâm trí của rất nhiều người.
Ngạn ngữ cổ có câu: "Bạn sẽ quên những gì bạn nghe; bạn sẽ nhớ những gì bạn thấy; bạn sẽ hiểu những gì bạn làm". Vậy nên, giống như khi bạn dùng ống kính máy ảnh, nếu không lấy nét vào một điểm, bạn sẽ thấy nhiều thứ lung linh, nhưng nhòe nhoẹt; và bạn chỉ thu được bức ảnh nhạt nhòa.
Nguyễn Nam Cường